Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,08%, đạt mốc 105,50.
Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư đặt cược vào nền kinh tế Mỹ vượt trội so với các nền kinh tế khác, đồng thời tăng so với đồng yên Nhật, khiến các nhà đầu tư cảnh giác nguy cơ can thiệp đối với thị trường tiền tệ từ chính quyền Tokyo.
Tại châu Âu, đồng bảng Anh bị mắc kẹt trong vùng âm trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh vào hôm nay 9-5.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã cắt giảm lãi suất và cho biết họ dự kiến sẽ cắt giảm thêm hai lần nữa trong năm nay. Động thái ở Thụy Điển là một lời nhắc nhở rằng đồng USD có thể vẫn tăng, miễn là các ngân hàng trung ương khác cắt giảm lãi suất trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng yên vẫn là tâm điểm chú ý của các nhà giao dịch tiền tệ khi các quan chức Nhật Bản đưa ra cảnh báo về tác động từ sự suy yếu của đồng tiền đối với nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào từ Tokyo sẽ chỉ giúp cho đà giảm của đồng yên tạm thời chững lại, do chênh lệch lãi suất ở Mỹ và Nhật Bản quá lớn.
Các nhà đầu tư đồn đoán rằng chính quyền Nhật Bản đã chi khoảng 60 tỷ USD vào tuần trước để hỗ trợ đồng yên sau khi đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD ở mức khoảng 160 yên/USD.
Đồng USD chốt phiên giao dịch tăng 0,59% so với đồng yên ở mức 155,6.
Các nhà đầu tư đang tập trung vào tốc độ và thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed. Dữ liệu mới nhất cho thấy số việc làm mới được tạo ra ở Mỹ thấp hơn dự kiến, cùng với xu hướng nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Mỹ, đã củng cố kỳ vọng rằng lãi suất có thể sẽ giảm vào cuối năm nay.
Đồng USD gần đây đã tăng 0,11%, đạt mức 105,54 so với các loại tiền tệ khác. Đồng euro giảm 0,08%, xuống mốc 1,0745 USD. Đồng bảng Anh giảm 0,1% xuống mốc 1,2492 USD.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương ở châu Âu đã bắt đầu cắt giảm lãi suất. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng phát tín hiệu về ý định cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
“Chúng tôi đang xem xét các động thái từ một loạt các ngân hàng trung ương châu Âu trong vài tháng tới. Chúng tôi cũng dự đoán khoảng 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9”, Giám đốc nghiên cứu của XTB Kathleen Brooks chia sẻ.
Việc các ngân hàng trung ương ở châu Âu cắt giảm đã giúp tạo động lực tăng giá cho đồng USD.
Trong khi các nhà giao dịch đang định giá việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, động thái đó cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có tiếp tục giảm trở lại gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ hay không.
Chủ tịch Fed Boston Susan Collins ngày 6-5 cho rằng, chính sách tiền tệ hiện tại có thể sẽ làm chậm nền kinh tế, song đó là việc cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.