Tỷ giá USD hôm nay US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 103,89.
Đồng USD nhìn chung vẫn ổn định trong tuần vừa qua. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã quay đầu giảm. Chỉ số DXY duy trì tốt trên mức hỗ trợ 103,5 vào tuần trước và chốt phiên tuần ở mức 103,86. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức cao 4,32%, nhưng sau đó giảm mạnh và chốt phiên tuần ở mức 4,18%.
Dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân Mỹ (PCE) – thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phù hợp với kỳ vọng của thị trường. PCE trong tháng 2 ở mức 2,4% (so với cùng kỳ năm trước), giảm so với mức 2,62% trong tháng 1. Tuần này, dữ liệu việc làm là dữ liệu quan trọng được công bố ngày 8-3.
Triển vọng ngắn hạn hiện chưa rõ ràng đối với chỉ số DXY. Mức kháng cự đối với chỉ số này nằm ở vùng 104,50-105 và mức hỗ trợ dao động trong khoảng 103,50-103. Nhìn chung, 103,50-104,50 hoặc 103-105 có thể là phạm vi giao dịch tổng thể của chỉ số DXY trong ngắn hạn. Sau đó, sự đột phá ở hai mốc 103 hoặc 105 sẽ xác định hướng đi tiếp theo đối với đồng tiền này.
Việc phá vỡ trên mốc 105 sẽ là dấu hiệu tăng giá, giúp chỉ số DXY tăng lên vùng 106-107. Ngược lại, việc giảm xuống dưới mốc 103 có thể kéo chỉ số này xuống mức 101-100.
Trong khi đó, đối với Chỉ số EUR/USD, mức hỗ trợ 1,08-1,078 được đề cập vào tuần trước đã được duy trì đúng như kỳ vọng. Đồng euro trong tuần trước đã chạm mức thấp 1,0796 và sau đó tăng trở lại. Miễn là đồng euro vẫn duy trì trên mốc 1,08 thì xu hướng tăng lên 1,0950-1,10 trong thời gian tới là tích cực.
Đồng tiền sẽ chỉ chịu áp lực khi rớt thẳng xuống dưới mốc 1,08. Trong trường hợp đó, nó có thể tiếp tục giảm xuống vùng 1,07-1,06.
Kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ được công bố vào ngày 7-3. Đây sẽ là một sự kiện quan trọng cần theo dõi vì nó có thể gây ra biến động trên thị trường.