Tỷ giá USD hôm nay US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,28%, đạt mốc 102,48.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lãi đồng USD sau khi được tích lũy vào cuối năm ngoái, trong bối cảnh thị trường có nhiều nghi vấn xoay quanh việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 6 lần vào năm 2024.
Giao dịch tương đối trầm lắng khi thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ và thị trường đón nhận dữ liệu kinh tế Mỹ ảm đạm so với kỳ vọng vào hôm 3-1.
Mặt khác, đồng USD vốn trước đó đã tăng trưởng song song với lãi suất trái phiếu kho bạc, với lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên đạt 4% sau hai tuần. Tuy nhiên, lãi suất 10 năm kể đã giảm 4,1 điểm cơ bản, xuống mức 3,90%, song, chỉ số DXY vẫn giữ mức tăng và gần đây nhất là tăng 0,2%, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tuần là 102,61.
Biên bản cuộc họp kéo dài hai ngày 12 và 13-12 được công bố hôm 3-1 cho thấy, các quan chức Fed cho rằng, lạm phát đang được kiểm soát, cùng với đó là những lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế mà việc thắt chặt quá mức đối với chính sách tiền tệ có thể gây ra.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì chính sách hiện tại trong một thời gian nhất định, cho đến khi lạm phát giảm xuống một cách bền vững, hướng tới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương.
Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA ở Washington, Mỹ cho biết: “Động lực lớn nhất tạo nên sức mạnh của đồng USD trong thời điểm này là việc định giá lại kỳ vọng chung đối với Fed vào năm 2024”. “Các nhà giao dịch hầu như kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào đầu năm 2024 và trong vài ngày qua họ đã giảm bớt kỳ vọng đó”, ông cho biết.
Lạm phát giảm cùng thái độ ôn hòa trong cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed đã thúc đẩy đặt cược vào nhiều đợt cắt giảm lãi suất của Mỹ trong năm 2024. Hợp đồng tương lai của quỹ Fed đã định giá khoảng 166 điểm cơ bản cho các lần cắt giảm trong năm nay, hoặc khoảng sáu lần giảm lãi suất với mức 25 điểm cơ bản.
Đồng USD trước đó đã giảm nhẹ sau khi dữ liệu kinh tế mới cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 12, mặc dù tốc độ giảm đã chậm lại.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) hôm 3-1 cho biết, PMI sản xuất của họ đã tăng từ mức 46,7 trong tháng 11, lên mức 47,4 vào tháng 12-2023. Đây là tháng thứ 14 liên tiếp PMI duy trì ở mức dưới 50, điều này cho thấy hoạt động sản xuất đang co lại.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng euro đã giảm 0,2% so với đồng USD, xuống mức 1,0924 USD.