Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,37%, xuống mốc 104,74.
Đồng USD giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu sửa đổi cho thấy tổng sản phẩm quốc nội, thước đo rộng nhất về hoạt động kinh tế Mỹ, tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý đầu tiên.
Theo đó, Bộ Thương mại báo cáo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,3% hằng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, giảm so với ước tính trước đó là 1,6%.
Việc hạ mức tăng trưởng trong quý đầu tiên diễn ra sau sự suy giảm gần đây về doanh số bán lẻ và chi tiêu thiết bị, điều này đã góp phần làm giảm bớt sự đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA, cho biết: “Đây chắc chắn là điều mà Fed đang tìm kiếm. Tất cả những số liệu này đều thấp hơn kỳ vọng, khiến Fed giảm bớt áp lực”.
Mức tăng 15 điểm cơ bản trong hai ngày lên trên mốc 4,6% đối với lãi suất trái phiếu kho bạc dài hạn Mỹ đã giúp đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hai tuần vào ngày 29-5.
Chỉ số DXY tăng lên mốc 105,18 chỉ sau một đêm, mức cao nhất kể từ ngày 14-5, nhưng cuối cùng đã giảm trở lại mốc 104.
Việc công bố chỉ số giá Chi dùng cá nhân – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – vào ngày hôm nay 31-5 có thể cung cấp thêm dấu hiệu về cách Ngân hàng Trung ương có thể tiến hành cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm nay đã giảm xuống trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gần đây nhất là với sự gia tăng bất ngờ về tâm lý người tiêu dùng qua dữ liệu công bố ngày 28-5.
Đồng USD đã giảm 0,53% so với đồng yên Nhật ở mức 156,805, sau khi chạm mức cao nhất trong một tháng là 157,72 vào phiên giao dịch trước đó.
Thị trường dấy lên nghi ngờ về việc Nhật Bản đã can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của mình vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, điều này có thể được xác nhận bởi dữ liệu công bố vào hôm nay 31-5.
Charu Chanana, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Chính quyền Nhật Bản đã can thiệp gần mức này vào ngày 1-5 và thị trường hiện coi 158 là mốc quan trọng để tiến hành can thiệp vào thị trường tiền tệ”.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro đã tăng 0,3%, đạt mức 1,083 USD sau khi giảm 0,5% phiên giao dịch trước đó, chạm mức thấp nhất trong hai tuần là 1,0789 USD. Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,26%, đạt mức 1,2734 USD sau khi cũng giảm 0,5% phiên giao dịch trước đó.
Dữ liệu về giá cả của khu vực đồng euro sẽ được công bố hôm nay 31-5, sau khi dữ liệu công bố ngày 29-6 cho thấy chỉ số lạm phát tháng 4 ở Đức tăng mạnh hơn dự kiến.