Tỷ giá USD hôm nay 30/5: Đồng USD tăng vượt mốc 105, yên Nhật chạm đáy 4 tuần

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,50%, đạt mốc 105,12.

Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, trước thềm dữ liệu lạm phát quan trọng được công bố vào cuối tuần này, và đồng thời mạnh lên so với đồng yên Nhật.

Đồng USD đạt mức cao nhất là 157,715 yên/USD vào ngày 29-5, tiến gần hơn đến mốc quan trọng, từng khiến chính quyền Tokyo phải can thiệp đối với thị trường tiền tệ vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Đồng tiền này chốt phiên giao dịch ở mức 157,665 yên/USD, tăng 0,3% trong ngày.

Brad Bechtel, người đứng đầu bộ phận FX toàn cầu tại Jefferies cho biết: “Tôi nghĩ rằng tỷ giá USD/yên sẽ tiếp tục tăng cao, thậm chí có thể sẽ tăng trở lại mốc quan trọng 160”.

Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ thấp hơn dự kiến trong tháng này đã làm đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn ở mức cao nhất trong gần 4 tuần là 4,57%, nhờ dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ được cải thiện trong tháng 5.

Báo cáo Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ – thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – sẽ được công bố vào ngày mai (31-5). Thị trường kỳ vọng là nó sẽ giữ ở mức ổn định trong tháng.

Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex cho biết, ngoài đồng yên Nhật, hầu hết các ngoại tệ đều tăng giá so với đồng USD kể từ giữa tháng 4. “Tôi nghĩ rằng động thái đó đã kết thúc và chúng ta nên chờ đợi sự phục hồi của đồng bạc xanh”.

Đồng AUD đã giảm 0,47%, xuống mức 0,6618 USD, ngay cả sau khi lạm phát giá tiêu dùng của Australia bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua hồi tháng 4, làm tăng suy đoán rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng.

Ngoài ra, động thái vay bằng loại tiền có lãi suất thấp để đầu tư vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn cũng đã gây biến động trên thị trường tiền tệ.

Derek Halpenny, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu EMEA tại MUFG, cho biết trong một ghi chú: “Đồng yên vẫn chịu áp lực giảm giá đáng kể với nhu cầu mua hàng tăng cao do biến động ngoại hối thấp”.

Ở một diễn biến ngược lại, đồng euro giảm xuống mức thấp gần 2 năm so với đồng bảng Anh là 84,84 pence, do dữ liệu lạm phát mạnh mẽ ở Đức.

Cụ thể, dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tại Đức tăng nhẹ hơn dự kiến lên mức 2,8% trong tháng 5, mặc dù điều đó khó có thể thay đổi kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng tới.

Đồng euro chốt phiên giao dịch giảm 0,49%, xuống mức 1,0804 USD.

Trong khi đó, đồng bảng Anh suy yếu xuống còn 1,2702 USD, một ngày sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng.