Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,15%, đạt mốc 105,82.
Đồng USD tăng nhẹ trở lại, phục hồi so với hầu hết các loại tiền tệ sau khi sụt giảm do dữ liệu hôm 23-4 cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ chậm lại trong tháng này.
Đồng yên giảm so với đồng USD vào phiên giao dịch vừa qua, xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 1990, khi các thị trường cảnh báo về bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào từ chính quyền Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng tiền nước này.
Đồng USD đã tăng cao tới 155,37 yên/USD, mức mạnh nhất kể từ giữa năm 1990, trước khi giảm trở lại trong phiên giao dịch đầy biến động, đây là dấu hiệu cho thấy 155 là mức tâm lý quan trọng trên thị trường. Đồng USD chốt phiên giao dịch ở mức 155,26 yên/USD – tăng khoảng 0,3% so với đồng yên Nhật.
Sự suy yếu của đồng yên so với đồng USD đã làm dấy lên lo lắng của thị trường xung quanh mọi động thái can thiệp tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki và các nhà hoạch định chính sách khác cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tiền tệ và sẽ phản ứng khi cần thiết.
Quan chức cấp cao của đảng cầm quyền Takao Ochi chia sẻ với Reuters rằng, nếu đồng yên trượt sâu hơn về mức 160 hoặc 170/USD, “điều đó có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải xem xét và đưa ra hành động”.
Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) chuẩn bị bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào hôm nay 25-4 và thị trường dự đoán rằng họ sẽ không thay đổi các chính sách tiền tệ cũng như lượng mua trái phiếu sau khi đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào tháng trước.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, Ngân hàng Trung ương có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu đồng yên giảm giá, đẩy lạm phát tăng lên đáng kể.
Sự sụt giảm của đồng yên xảy ra sau một loạt dữ liệu lạm phát của Mỹ đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 5 tháng và củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa thể vội vàng cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Chỉ số DXY có thời điểm chạm mức 105,59, mức thấp nhất trong khoảng 2 tuần, sau khi dữ liệu hoạt động ở châu Âu khả quan vượt mong đợi trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh doanh của Mỹ lại hạ nhiệt.
Đà tăng của đồng bạc xanh cũng hạn chế trong phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất tăng vừa phải trong tháng 3 và dữ liệu của tháng trước được điều chỉnh thấp hơn.
Đồng euro ít thay đổi ở mức 1,0697 USD, sau đợt tăng hôm 23-4 sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,1% ở mức 1,2460 USD, nhờ dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp Anh ghi nhận mức tăng trưởng hoạt động nhanh nhất trong gần một năm.
Thị trường hiện đang chờ đợi Fed công bố dữ liệu Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường hiện đang định giá 70% khả năng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9.