Tỷ giá USD hôm nay 24/4: Đồng USD giảm trượt khỏi mốc 106

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,39%, xuống mốc 105,69.

Đồng USD giảm trong phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm trong tháng 4, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn.

S&P Global hôm 23-4 cho biết, Chỉ số PMI tổng hợp nhanh của Mỹ, theo dõi cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 50,9, từ mức 52,1 của tháng 3.

Chỉ số DXY theo đó đã giảm sau khi dữ liệu PMI được công bố, có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần là 105,61.

Đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng USD và đồng Euro vào phiên giao dịch vừa qua, khiến các nhà đầu tư tăng cường theo dõi sự can thiệp của Nhật Bản trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần này.

Đồng euro đạt 165,71 yên/Euro, mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm, chủ yếu do sự phục hồi của ngành dịch vụ. Đồng tiền chung của châu Âu chốt phiên giao dịch ở mức tăng 0,4% đạt mốc 165,67 yên/Euro.

Đồng USD tăng cao tới mức 154,88 yên/USD, mức cao nhất trong 34 năm và tiến gần đến mức 155, một mức được những người tham gia thị trường coi là tác nhân mới cho sự can thiệp của Nhật Bản.

Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA ở Washington, cho biết: “Mức 155 là một con số tâm lý quan trọng”.

“Mặc dù Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nói nhiều lần rằng BoJ sẽ không tăng lãi suất chỉ để thúc đẩy đồng yên, nhưng có rất nhiều khả năng các quan chức tiền tệ sẽ phải đưa ra hành động trong cuộc họp cuối tuần này.

Bà nói thêm rằng, BOJ có thể sẽ giữ nguyên quan điểm, điều này đồng nghĩa với việc đồng yên sẽ tiếp tục yếu đi, nhưng bà cho rằng “có khả năng khá cao là chúng ta sẽ thấy sự can thiệp của thị trường để ngăn chặn sự trượt dốc lớn hơn về mức 160”.

Trước đó vào ngày 23-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về khả năng can thiệp vào chính sách tiền tệ, cho biết cuộc họp tuần trước với các đối tác Mỹ và Hàn Quốc đã đặt nền tảng cho việc chính quyền Tokyo sẽ đưa ra những động thái để tránh việc đồng yên trượt giá quá mức.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự báo lạm phát sẽ ở quanh mức mục tiêu 2% trong 3 năm tới, báo hiệu sự sẵn sàng tăng lãi suất một cách thận trọng trong năm nay từ mức gần bằng 0.

Trong khi đó, đồng euro đã leo lên mức cao nhất trong 2 tuần so với đồng USD là 1,0711 USD, trước khi quay trở lại giao dịch ở mức 1,0707 USD, tăng 0,5%.

Đồng tiền chung châu Âu cũng nhanh chóng chạm mức cao nhất trong 3 tháng của ngày hôm trước so với bảng Anh là 86,43 pence, sau dữ liệu PMI của Đức.

Nhận xét của các nhà hoạch định chính sách ôn hòa từ Ngân hàng Anh đã khiến đồng bảng Anh đạt mức thấp trong nhiều tháng. Các quan chức của BOE cho biết, họ kỳ vọng lạm phát sẽ chậm lại về mục tiêu 2% và có khả năng duy trì ở mức đó, điều này khiến các nhà đầu tư tin tưởng rằng ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất vào mùa hè tới.

Tại Mỹ, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ là một trong những ngân hàng trung ương lớn cuối cùng cắt giảm lãi suất, với thị trường tương lai lãi suất hiện đang định giá 73% cơ hội thực hiện lần nới lỏng đầu tiên vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với vài tuần trước khi các thị trường đang đặt cược rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, một sự thay đổi đã đẩy đồng USD tăng cao hơn.

Các nhà đầu tư sẽ có một cơ hội khác để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế Mỹ trong tuần này với dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội quý đầu tiên được công bố ngày mai 25-4 và Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát của Fed, được công bố vào ngày 26-4.