Tỷ giá USD hôm nay 23/1: Bắt đầu đi ngang

Tỷ giá USD hôm nay US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF)  tăng 0,03%, đạt mốc 103,33.

Đồng USD đi ngang trong phiên giao dịch vừa qua, trước các quyết sách của Ngân hàng trung ương ở Nhật Bản (BOJ) và khu vực đồng euro giúp xác định hướng đi của đồng yên Nhật và đồng euro trong năm nay.

Đồng yên Nhật đã thoát khỏi mức 148,80/USD vào cuối tuần trước, mức thấp nhất trong một tháng và tăng lên mức cao nhất là 147,61, khi BOJ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày. Đồng USD đã giảm 0,1% so với đồng tiền Nhật Bản, xuống mức 148,06 yên.

Những kỳ vọng của thị trường về việc BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm tại cuộc họp này đã bị hủy bỏ, sau trận động đất hồi đầu năm ở bờ biển phía tây Nhật Bản, cùng với các bình luận ôn hòa của BOJ.

Helen Given, nhà giao dịch FX, tại Monex ở Washington, Mỹ cho rằng, cần phải xem xét xem liệu Thống đốc BOJ (Kazuo) Ueda có đề cập đến giá ngoại hối trong cuộc họp báo của mình sau các quyết sách về lãi suất hay không.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ tổ chức một cuộc họp chính sách trong tuần này và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4%, trong khi các quan chức ECB cho biết còn quá sớm để cắt giảm lãi suất. Trong bối cảnh ECB có khả năng vẫn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế trước khi đưa ra các quyết sách, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào giọng điệu của Chủ tịch Christine Lagarde trong cuộc họp báo sắp tới.

Đồng euro đã chốt phiên giao dịch giảm 0,1%, xuống mức 1,0883 USD. Các nhà đầu cơ đã giảm vị thế mua ròng đồng euro xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11, theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai.

Ở một diễn biến khác, Chỉ số DXY ổn định, và đang trên đà tăng giá nhiều nhất trong số các loại tiền tệ trên thị trường trong tháng 1, tăng khoảng 1,8% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, đà tăng của nó liên tục bị tác động bởi những quan điểm của các nhà đầu tư xoay quanh việc khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu cuối tuần trước cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn phục hồi mặc dù lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất sớm vào tháng 3.

Thị trường tương lai lãi suất của Mỹ vào hôm 22-1 đã định giá khoảng 40% khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 3, giảm so với mức 80% của tuần trước nữa. Vào năm 2024, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai đang đặt cược khoảng 5 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần cắt giảm 25 điểm cơ bản.