Tỷ giá USD hôm nay US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,04%, xuống mốc 106,20.
Đồng USD giảm nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 9, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung vào loạt bài phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Doanh số bán lẻ Mỹ tăng 0,7% trong tháng trước, khi các hộ gia đình tăng cường mua ô tô và chi tiêu nhiều hơn tại các nhà hàng và quán bar.
Marc Chandler, Giám đốc chiến lược thị trường tại Bannockburn Global Forex cho biết: “Quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ chậm lại trong quý 4 là do người tiêu dùng sẽ cắt giảm bớt các hoạt động chi tiêu sau khi đã đẩy mạnh chi tiêu trong quý 3”.
Bất chấp doanh số bán hàng khả quan, Jeffrey Roach, Nhà kinh tế trưởng của LPL Financial lưu ý rằng, có một số trở ngại ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. “Các nhà đầu tư cần xem xét các số liệu bán hàng để có cái nhìn rõ hơn về người tiêu dùng. Việc sử dụng tín dụng ngày càng tăng và những dấu hiệu sớm về nợ quá hạn có thể lam giảm nhu cầu chi tiêu”, ông nhấn mạnh.
Dữ liệu khác mới công bố cho thấy sản lượng tại các nhà máy ở Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 9, bất chấp các cuộc đình công trong ngành ô tô.
Các nhà đầu tư đang tập trung vào các bài phát biểu trong tuần này của các quan chức Fed, bao gồm cả bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày mai 19-10, để có thêm “manh mối” về chính sách lãi suất.
Các nhà giao dịch đang đánh giá liệu ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất một lần nữa hay không, với nỗ lực đưa lạm phát trở về gần mục tiêu 2%. Theo Công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed đang định giá 43% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm trong năm nay, nhưng chỉ có 12% khả năng tăng lãi suất vào tháng tới.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro tăng 0,08%, đạt mức 1,0569 USD.
Đồng Yên Nhật suy yếu trở lại gần mức 150, chốt phiên giao dịch ở mức 149,77, khiến các nhà đầu tư cảnh giác về khả năng chính quyền Nhật Bản can thiệp vào chính sách tiền tệ.