Tỷ giá USD hôm nay 14/6: Đồng USD tăng bất chấp lạm phát hạ nhiệt

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,58%, đạt mốc 105,23.

Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện quan điểm “diều hâu” khi kết thúc cuộc họp chính sách bắt đầu từ ngày 12-6.

Dữ liệu công bố ngày 13-6 cho thấy giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 5, với chỉ số giá sản xuất chung (PPI) giảm 0,2% trong tháng 5, sau khi tăng 0,5% trong tháng 4. Giá cốt lõi không đổi sau khi cũng tăng 0,5% trong tháng trước.

Dữ liệu này theo sau Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5, được công bố ngày 12-6, thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế, khiến đồng bạc xanh bị bán tháo mạnh.

Theo đó, số liệu CPI và PPI, cùng dữ liệu Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, có thể sẽ cho thấy áp lực giá giảm nhẹ.

Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex ở New York, Mỹ cho biết: “PPI hôm nay xuất hiện sau chỉ số CPI, và thấp hơn dự kiến… điều này sẽ ảnh hưởng dữ liệu PCE cốt lõi được công bố vào cuối tháng này”.

Đồng tiền của Mỹ phục hồi sau khi các quan chức Fed bất ngờ dự báo chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay và đẩy thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất có lẽ muộn nhất là vào tháng 12.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng giữ nguyên lãi suất cho đến khi nền kinh tế gửi tín hiệu rõ ràng rằng cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Dữ liệu khác được công bố ngày 13-6 cho thấy, số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng vào tuần trước.

Chỉ số DXY đã tăng 0,49%, đạt mức 105,20. Chỉ số này đạt mức cao nhất trong 4 tuần là 105,46 vào ngày 11-6, trước khi giảm tới 1% sau dữ liệu CPI được công bố một ngày sau đó.

Các nhà giao dịch đã giảm đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, sau khi báo cáo việc làm tháng 5 được công bố vào cuối tuần trước, cho thấy nhiều việc làm tăng trưởng hơn dự kiến, trong khi tiền lương cũng tăng nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo Công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed hiện nhận thấy có khả năng xảy ra hai lần cắt giảm trong năm nay, với lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 9 được coi là xác suất 68%.

Đồng USD có thể vẫn được hỗ trợ do chính sách của Fed tương phản với các ngân hàng trung ương khác ôn hòa hơn.

Chandler nói: “Tôi cho rằng, đồng USD chưa đạt đỉnh”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Canada đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và có thể cắt giảm lần nữa trước khi Fed bắt đầu nới lỏng.

Chandler nhận định: “Sự bất ổn chính trị ở châu Âu có thể giúp đồng USD duy trì sức mạnh”.

Đồng EUR chốt phiên giao dịch giảm 0,65%, xuống mức 1,0739 USD. Đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất là 1,07195 USD vào ngày 11-6, mức thấp nhất kể từ ngày 2-5, trước khi tăng lên mức 1,08523 USD vào ngày 12-6 khi đồng bạc xanh suy yếu.

Đồng yên cũng giảm trước khi Ngân hàng Nhật Bản kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào hôm nay 14-6, và xem xét cắt giảm việc mua trái phiếu, thực hiện bước quan trọng đầu tiên để giảm bảng cân đối kế toán gần 5 nghìn tỷ USD.

Đặc biệt, đồng yên đã phải chịu sự chênh lệch lớn giữa lãi suất của Nhật Bản và Mỹ.

Đồng USD chốt phiên giao dịch tăng 0,11% so với đồng yên Nhật, đạt mức 156,89 yên/USD.