Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 1,04%, đạt mốc 105,19.
Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, đồng thời đạt đỉnh 34 năm so với đồng yên Nhật, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy tình hình lạm phát ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến vào tháng 3, đẩy thời điểm dự kiến cắt giảm lãi suất lần đầu tiên từ tháng 6 sang tháng 9.
Thị trường hiện đang cảnh giác về bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào từ chính quyền Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng yên tăng giá trở lại.
Theo đó, dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 3, cao hơn so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 0,3%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3,5%, cao hơn so với dự báo là 3,4%.
Theo sau dữ liệu CPI, công cụ FedWatch của CME cho thấy, các nhà giao dịch đã giảm đặt cược khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6, từ mức 57% vào hôm 9-4, xuống 17%. Thị trường đang dự đoán khả năng Fed sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9, với xác suất 66%.
Hợp đồng tương lai của quỹ Fed cũng đã giảm số lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) trong năm nay xuống dưới 2 lần, tương đương khoảng 44 bps, từ khoảng 3 hoặc 4 lần cách đây vài tuần.
Biên bản cuộc họp cuối cùng của Fed được công bố 10-4 cho thấy, các quan chức Ngân hàng Trung ương lo lắng rằng tiến trình lạm phát đang chậm lại và họ có thể phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Kenneth Mahoney, Chủ tịch của Mahoney Asset Management ở Greenwich, Connecticut, cho biết: “Fed không có lý do gì để cắt giảm lãi suất khi chúng ta vẫn đang phải chiến đấu với lạm phát – đó là sự thật”.
Trong khi đó, đồng euro giảm 1,06% xuống 1,0741 USD, trên đà giảm phiên ngày lớn nhất trong khoảng 1 năm.
So với đồng yên, đồng USD đã tăng 0,93%, hiện đang ở mức 153,15 yên, có thời điểm tăng chạm mức 153,24, mức cao nhất kể từ tháng 6-1990.
Các nhà giao dịch đã cảnh giác trong nhiều tuần về khả năng can thiệp của chính quyền Tokyo, vì ngay cả việc chấm dứt chính sách lãi suất âm ở Nhật Bản cũng không thể hỗ trợ đồng yên lúc này.
Đồng yên đã chịu áp lực trong nhiều năm khi lãi suất của Mỹ tăng lên và lãi suất của Nhật Bản gần bằng 0. Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ 3 lần vào năm 2022, bằng cách bán đồng USD để mua đồng yên, khi đồng yên trượt xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 152 yên/USD.