Đồng USD giảm vào phiên giao dịch vừa qua, khi có thông tin cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hầu như không tăng trưởng trong tháng 5 do số lượng đơn đặt hàng mới chậm lại, kết thúc đợt phục hồi ban đầu nhờ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, dữ liệu PMI phi sản xuất của họ đã giảm từ mức 51,9 vào tháng 4, xuống mức 50,3 trong tháng 5. Chỉ số trên 50 cho thấy sự tăng trưởng trong ngành dịch vụ, chiếm hơn hai phần ba nền kinh tế. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo chỉ số PMI phi sản xuất sẽ tăng lên 52,2.
Dữ liệu được công bố cuối tuần vừa rồi cho thấy, tăng trưởng việc làm của Mỹ đã có thêm 339.000 việc làm trong tháng 5, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng là 3,7% cho thấy thị trường lao động đang nới lỏng. Đồng bạc xanh đã tăng sau khi số lượng việc làm khả quan vượt mong đợi đã thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất khi lạm phát vẫn tăng cao.
Ngân hàng trung ương Mỹ được kỳ vọng là có nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 6. Trong khi đó, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed đang định giá 65% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất sẽ tăng thêm ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 7.
Các quan chức của Fed đã nhấn mạnh rằng, bất kỳ quyết định nào của Fed về việc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp sắp tới đều không đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Mỹ đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng tháng 5 sẽ được công bố vào ngày 13-6 là dữ liệu kinh tế lớn tiếp theo của Mỹ.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro đã tăng 0,07%, ở mức 1,0712 USD, ngay trên mức thấp nhất kể từ ngày 20-3 là 1,0635 USD. Bên cạnh đó, đồng bạc xanh giảm 0,27% xuống mức 139,60 Yên Nhật.