Tin tức thị trường ngày 27/03. USD đã có tín hiệu đảo chiều tăng trở lại?

Tâm lý thị trường đã ổn định hơn sau khi FED công bố chính sách tiền tệ, FED đã tăng lãi suất và vẫn tỏ rõ quyết tâm kiếm chế lạm phát và hài hòa cân đối vĩ mô để tránh những rủi ro suy thoái kinh tế. Vậy những chính sách này có thể tiếp tục kỳ vọng cho đồng USD phục hồi tăng?

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 24/3 dao động giữa xanh và đỏ. Các chỉ số ban đầu đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan tới Deutsche Bank (với tổng tài sản hơn 1.400 tỷ USD). Về cuối phiên, các chỉ số hồi phục lên giá xanh.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất 300 điểm nhưng đóng cửa tăng 132 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,41%. S&P 500 và Nasdaq Composite kết phiên tăng lần lượt 0,56% và 0,3%. Tính chung cả tuần qua, ba chỉ số chính đều đi lên. Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 và Nasdaq thêm tương ứng 1,4% và 1,6% trong tuần vừa qua.

Hãng Bloomberg News đưa tin các nhà chức trách Mỹ đang xem xét việc mở rộng cơ sở cho vay khẩn cấp nhằm cung cấp cho các ngân hàng nhiều hỗ trợ hơn, trong nỗ lực có thể giúp ngân hàng First Republic Bank có thêm thời gian để củng cố bảng cân đối kế toán.

Tất cả các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và việc mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một trong nhiều cân nhắc của các quan chức để hỗ trợ ngân hàng gặp khó khăn.

Bất kỳ thay đổi nào đối với các dịch vụ thanh khoản của Fed sẽ áp dụng cho tất cả người dùng đủ điều kiện, nhưng các điều chỉnh có thể được thiết kế để đảm bảo First Republic hưởng lợi từ những thay đổi.

Ngày 22/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, do lo ngại về nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, các ngân hàng tại Mỹ đã củng cố thanh khoản để “tự vệ.”

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban phân bổ ngân sách của Thượng viện Mỹ về diễn biến ngành ngân hàng nước này trong 2 tuần qua, bà Yellen cho hay nhiều ngân hàng quy mô vừa đã bày tỏ lo lắng đến Bộ Tài chính về những khoản tiền gửi không được bảo hiểm, trong đó có những ngân hàng thậm chí lo sợ nguy cơ xảy ra tình trạng rút tiền gửi ồ ạt giống như SVB.

Tin tức thị trường ngày 27/03. USD đã có tín hiệu đảo chiều tăng trở lại?

Theo số liệu mới đây nhất, tổng tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại ngày 22/3 vừa qua là 8.734 tỷ USD, tăng 392 tỷ USD so với hai tuần trước đó (ngày 8/3). Con số tài sản này cũng là mức cao nhất kể từ ngày 19/10/2022.

Tổng tài sản của Fed lập đỉnh 8.965 tỷ USD vào ngày 13/4/2022. Sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách liên tục bán bớt các loại tài sản như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu được bảo đảm bằng nợ vay mua nhà (MBS), qua đó hút bớt tiền về và giảm cung tiền trong nền kinh tế. Ngày 16/3/2022, sau hai năm liên tục duy trì lãi suất gần 0, Fed đã nâng lãi suất lần đầu tiên để chống lạm phát.

Đến 8/3 năm nay, Fed đã nâng lãi suất 8 lần liên tiếp, đồng thời giảm quy mô bảng cân đối kế toán đi 623 tỷ USD.

Ngày 22/3 vừa qua, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất lần thứ 9 trong chiến dịch kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tổng tài sản của Fed không tiếp đà đi xuống như trước mà lại bật tăng mạnh mẽ. Mức tăng trong hai tuần vừa qua đã xóa sạch nỗ lực cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed trong gần 5 tháng trước đó.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ấn Độ, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ tổ chức hội nghị bàn tròn tiếp theo về nợ công vào ngày 3/4 tới nhằm đẩy mạnh việc giảm nợ cho các quốc gia có nhu cầu.

Kết quả khảo sát cho thấy kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã “tăng tốc” trong tháng 3/2023 và chạm mức cao của 10 tháng, bất chấp những bất ổn trên thị trường và những lo ngại về ngân hàng.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global Flash Eurozone cho thấy chỉ số này ở mức 54,1 (điểm), tăng so với mức 52 trong tháng 2/2023, nhờ lĩnh vực dịch vụ. PMI trên 50 thể hiện hoạt động kinh tế tăng trưởng.

Nỗi lo suy thoái đang giảm dần nhờ tình hình thời tiết mùa Đông ấm hơn trong bối cảnh giá năng lượng tăng phi mã sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) xảy ra hồi năm 2022.

Lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách nhưng giá tiêu dùng của khu vực Eurozone cũng đã giảm trong những tháng gần đây sau mức cao kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2022.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những biến động trong những tuần gần đây do lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, tuy vậy các doanh nghiệp vẫn lạc quan.