Giá vàng hôm nay có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 2,3 USD lên 2.031,5 USD/ounce.
Tuần trước, sau chuỗi ngày giảm do chịu áp lực bởi kỳ vọng lãi suất, giá vàng thế giới đã có được mức tăng khiêm tốn trong phiên chốt tuần. Mặc dù vậy, trong tuần, kim loại màu vàng vẫn mất đi 20 USD.
Vào thứ Ba, đồng USD tăng mạnh và gây áp lực lên vàng khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller có những nhận xét “diều hâu” về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo ông Waller, Mỹ vẫn xa mục tiêu lạm phát 2%, thế nên ngân hàng trung ương không nên vội vàng cắt giảm lãi suất cho đến khi biết rõ lạm phát thấp hơn sẽ được duy trì. Trước đó, nhiều quan chức Fed, trong đó có Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester trả lời Bloomberg TV rằng còn quá sớm để tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 3. Những bình luận của quan chức Fed đã cho thấy Fed tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra muộn hơn nhiều, rất có thể là vào cuối quý 2 năm nay.
Báo cáo công bố hôm thứ Tư cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 12 đã tăng 0,6% so với tháng trước. Điều này củng cố quyết tâm của Fed trong việc không cắt giảm lãi suất sớm. Tuy nhiên, vàng đảo chiều vàng thứ Năm khi sự quan tâm của thị trường chuyển sang lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang. Lực cầu trú ẩn an toàn đã làm giảm áp lực về kỳ vọng lãi suất và giúp vàng tăng nhẹ.
Tuần này, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ biến động của đồng USD dự báo sẽ chứng kiến nhiều biến động khi 3 ngân hàng trung ương lớn đưa ra quyết định chính sách tiền tệ. Trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự báo sẽ duy trì lập trường ôn hòa, Ngân hàng Trung ương Canada dự báo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định sau khi lạm phát bất ngờ tăng trong tháng 12. Các chuyên gia cho rằng, biến động của đồng USD và vàng được cho là sẽ chịu tác động lớn nhất bởi quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuần vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), các thành viên của ECB đã phản đối việc cắt giảm lãi suất sớm. Chính sách “diều hâu” của ECB có thể gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.
Hiện các nhà đầu tư cũng đang nóng lòng chờ đợi dữ liệu lạm phát sẽ được công bố vào thứ Sáu. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu báo cáo cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) không giảm như dự kiến, điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Với giá vàng trong nước ổn định và giá vàng thế giới neo ở mức 2.031,5 USD/ounce (tương đương gần 60,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 16 triệu đồng/lượng.